Dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng Phương Liên sinh ra là để múa. Bạn sẽ nhận thấy sự uyển chuyển, dịu dàng, tự tin và dứt khoát khi nói chuyện với chị.
Các studio múa của chị đào tạo những loại hình múa nào?
Zouk này, belly dance (múa bụng), pole dance, burlesque chair dance (múa ghế), zumba, ballet cho cả trẻ em và người lớn… Nói chung là hầu hết những gì mới mẻ và hấp dẫn nhất.
Trong số đó thì loại hình nào đông học viên theo học nhất?
Trước kia là belly dance, còn giờ thì đến thời của pole dance rồi.
Pole dance ư? Thật bất ngờ, tôi cứ nghĩ quan điểm về pole dance trong mắt nhiều người Việt Nam chưa được tốt lắm nên loại hình này sẽ khó phát triển?
Ngược lại chứ, dường như chính cái tên pole dance đã tạo sức hút cho nó. Có bạn học xong nhắn tin cảm ơn tôi vì được khen duyên dáng hơn hẳn, có anh thì mua thẻ học viên cho vợ rồi ngồi chờ vợ học cả tiếng đồng hồ. Xét cho cùng thì làm gì có người phụ nữ nào không thích mình sexy và làm gì có người đàn ông nào không thích phụ nữ sexy? Sự xinh đẹp chỉ là thứ bề ngoài thôi, nó rất vô hồn. Còn sexy nằm ở ánh mắt, nụ cười, dáng điệu... tất cả những thứ ấy đều nằm trong pole dance nói riêng và múa nói chung.
Nghe chị nói thì học pole dance là quá hợp lý, nhưng bộ môn nghệ thuật này chắc chỉ có những cô gái ngoại hình khá lý tưởng mới theo học được?
Ồ, ai cũng có thể học các loại hình nhảy múa, không phải mỗi pole dance. Tôi không dạy học viên để họ lên sân khấu biểu diễn mà để họ thấy yêu cơ thể mình. Vả lại múa cũng là một môn thể dục đẹp bởi những động tác và giai điệu. Nhiều khi tôi hay đùa các học viên khi mới đến trung tâm: “Chị nên chụp ảnh before - after đi để thấy mình sẽ thay đổi nhiều như thế nào sau khi tập luyện”. Có chị sau 4 tháng tập luyện giảm được hơn 10kg, vòng 2 bé đi hơn chục cm, gặp tôi sung sướng cười đến rơi nước mắt.
Bỏ những công sở với mức lương khá hấp dẫn để đi dạy múa, công việc này có đem lại cho chị một thu nhập tốt hơn nhiều không?
Cũng không tệ đâu, nhưng thu nhập chẳng phải lý do lôi kéo tôi đến với múa. Tôi là một trong hai người dạy belly dance đầu tiên ở Hà Nội, khi ấy tôi dạy hoàn toàn miễn phí. Sau hơn một năm dạy miễn phí như thế, tôi thấy mình quá gắn bó với công việc này rồi, không thể làm công sở được nữa. Lúc đó thì tôi mới bắt đầu thu học phí và cùng một người bạn gây dựng công ty về dancing như bây giờ.
Ngoài dạy múa, chị còn tổ chức biểu diễn 3 – 4 show hàng năm. Chị đánh giá thế nào về thị trường của múa tại Việt Nam hiện nay?
Ngoài belly dance khá phổ cập và được mời đi diễn nhiều, các nghệ thuật múa còn lại còn ít đất diễn lắm. Múa ở nước mình chưa phải là một môn nghệ thuật phát triển đâu.
Anh ấy yêu những gì tôi làm
Với ngoại hình như thế này, dường như chị sinh ra đã để múa?
Cũng không hẳn thế. Múa thay đổi tôi nhiều lắm, rõ rệt nhất là ở những đường cong trên cơ thể. Ngày trước khi còn làm ở Liên hợp quốc, người tôi cũng nhiều chỗ phình ra bất thường chứ không eo ót như bây giờ, gặp ai cũng hỏi “chị sinh năm 78 à”, giờ thì hay được hỏi “em sinh năm 86 phải không?”. Chắc đây là niềm sung sướng lớn nhất mà múa đã ban tặng cho tôi.
Chị đã học qua những nghệ thuật múa nào rồi?
Khá nhiều. Tính tôi thích ngao du đây đó, mỗi lần đi đều cố gắng học cho mình một cái gì mới mẻ. Ngoài ballet học từ hồi bé ở trường múa, tôi đã học Zumba ở HongKong, Thái Lan, pole dance ở Anh, flamenco, belly dance ở Philippin… Mỗi thứ đều cuốn hút tôi theo một cách khác nhau.
Có trung tâm dạy múa rồi, sao chị không mời giáo viên về rồi đào tạo mình luôn mà cứ phải đi học tất cả mọi thứ như vậy?
Nếu tôi không hiểu về những gì họ dạy, tôi sẽ chẳng biết họ đúng hay sai chỗ nào. Tôi khá khắt khe trong chuyện tuyển người, bởi không phải cứ người múa giỏi sẽ là người dạy giỏi. Tôi muốn giáo viên của mình phải hiểu cụ thể từng học viên, biết rằng họ cần tập nhiều động tác nào để phát triển ngực, tập ít động tác nào để bé hông, họ không tập được động tác này là do cơ xương bộ phận nào của họ chưa linh hoạt… Tôi không thích sai lầm trong việc chọn giáo viên làm xấu đi hình ảnh của công ty mình trong mắt học viên.
Tập múa quá nhiều như thế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Sức khỏe thì ảnh hưởng tốt, tôi khỏi bệnh viêm xương cột sống khá lâu rồi nhờ tập múa. Nhưng cũng có những tác hại như thi thoảng bàn chân tôi lại đi theo kiểu hình chữ V của múa ballet, khiến thi thoảng cứ bị bạn bè phàn nàn là: “Sao lúc nào mày cũng đi như con vịt vậy?”
Sự mềm mại của các vũ điệu có làm chị yếu đuối đi không?
Cũng chẳng biết nữa, tôi hay khóc. Nhiều khi nghe nhạc buồn thì múa buồn, nghe nhạc vui thì múa vui. Nhưng yếu đuối thì chắc không nhiều lắm. Tôi cảm thấy tự tin và chủ động với những gì xảy đến với mình.
Ngoài dạy múa, chị có làm gì để cân bằng?
Tôi vẫn nhận viết bài bằng tiếng Anh cho một nhà xuất bản nước ngoài. Tôi thường đùa rằng đó là cách cân bằng giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Ngoài ra thì nghe nhạc cổ điển cũng là một niềm đam mê lớn của tôi, sau múa.
Người nghe nhạc cổ điển thì chắc là phức tạp?
Không biết có phức tạp không, nhưng thi thoảng cũng làm khổ một số người và bị một số người làm khổ.
Những nghệ sĩ múa đến độ tuổi của chị đã tính đến chuyện chuyển nghề rồi, còn chị thì sao?
Hiện giờ tôi vẫn đang nghĩ là mình sẽ múa đến năm 60 tuổi, hay là đại loại thế. Tôi bắt đầu khá muộn nên sức khỏe chưa ảnh hưởng nhiều, mỗi ngày cũng cố gắng không dành thời gian dạy múa nhiều quá để còn làm công việc khác. Tôi là người dạy múa chứ không phải là nghệ sĩ múa, yêu cầu của hai công việc này cũng đòi hỏi hình thể tương đối khác nhau.
Người đàn ông của chị ủng hộ những gì chị làm không?
Có chứ. Anh ấy luôn ở bên tôi và yêu những gì tôi làm. Mỗi năm khi công ty tổ chức show diễn anh đều có mặt. Có những việc mà mình không nhờ nhưng anh ấy vẫn lẳng lặng làm để chương trình thêm hiệu quả. Tôi thấy mình đang may mắn lắm.
Cảm ơn chị!
Theo Yên Phong